Có thể khẳng định, đây là kênh hỗ trợ hiệu quả cho việc thu xếp vốn phát triển lưới điện truyền tải theo Quy hoạch điện VII, điều mà trước đây luôn là bài toán khó đối với EVNNPT.
Tiếp nối kết quả đạt được, hành trình thu xếp vốn ngoại của Tổng Công ty cho giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo đang được tiến triển theo chiều hướng tích cực.
Từ đối tác truyền thống…
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là một trong các nhà tài trợ vốn ODA truyền thống của EVNNPT và cũng là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, JICA luôn sát cánh cùng EVNNPT trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án lưới điện.
Ông Vũ Trần Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT cho biết đến nay, JICA đã tài trợ cho EVNNPT tổng số vốn tương đương 180 triệu USD cho các dự án Lưới điện đồng bộ của Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn và Lưới điện đồng bộ Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình.
EVNNPT đã thu xếp được vốn cho nhiều dự án truyền tải điện từ nay đến năm 2020 - Ảnh Minh Nguyên |
“Với nhu cầu vốn đầu tư hàng năm từ 15.000 - 18.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, EVNNPT đang tích cực huy động nhiều nguồn vốn như ODA, ưu đãi nước ngoài, tín dụng xuất khẩu và thương mại trong nước để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia,” ông Vũ Trần Nguyễn cho biết.
Tại buổi làm việc mới đây giữa EVNNPT với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - một trong những nhà tài trợ chính của Tổng Công ty, ADB cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng EVNNPT mở rộng hệ thống truyền tải điện quốc gia với những chính sách cởi mở hơn và hình thức cho vay phong phú hơn.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi để EVNNPT có thể đạt được mục tiêu phát triển trong dài hạn và vươn lên trở thành đơn vị truyền tải điện vững mạnh, chuyên nghiệp trong khu vực và châu Á.
Ông Anthony Jude, Cố vấn cấp cao của Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB thông báo sẽ bổ sung hình thức cho vay mới với tên gọi khoản vay dựa trên kết quả thực hiện. Khoản vay có thể triển khai từ năm 2017 với các tiêu chí rất mở, thuận lợi và tăng tính chủ động cho EVNNPT.
Tuy nhiên, khoản vay sẽ bị ràng buộc chặt chẽ hơn về điều kiện giải ngân so với các khoản vay truyền thống. Công tác giải ngân sẽ dựa trên kết quả thực hiện các chỉ số đã được hai bên thống nhất và ký kết trong Hiệp định vay.
Trước mắt, trong giai đoạn từ năm 2017-2019, ADB sẽ tài trợ khoảng 600 triệu USD cho EVNNPT và chia thành hai khoản vay theo hình thức dựa trên kết quả thực hiện.
Mặt khác, ADB cũng có thể xem xét tài trợ cho EVNNPT lên tới 1,2 tỷ USD cho giai đoạn từ 2016 - 2025 trên cơ sở nhu cầu đầu tư tổng thể của toàn giai đoạn bên cạnh việc triển khai khoản vay 3 và khoản vay 4 của khoản vay phân kỳ MFF (Multi-tranche Financing Facility).
Ngoài ra dự kiến trong tài khóa 2018, EVNNPT sẽ thu xếp một khoản vay mới của Ngân hàng Thế giới (WB) cho dự án Hiệu quả lưới điện truyền tải 2 (TEP 2) khoảng 500 triệu USD.
... đến mở rộng đối tác mới
Theo EVNNPT, từ năm 2016, trên cơ sở nhu cầu vốn đầu tư trung bình mỗi năm từ 700-900 triệu USD, trong đó 60% sẽ cần sự tài trợ từ các nguồn vốn ngoại, kể cả vốn ODA, ADB và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đều cam kết sẽ xem xét tài trợ cho các dự án đấu nối nguồn điện thay vì hoàn toàn từ chối xem xét tài trợ như trước đây với điều kiện xem xét tính tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội của ADB đối với các dự án của EVNNPT và của nhà máy điện.
Ngoài các đối tác truyền thống như WB, JICA, ADB, lãnh đạo EVNNPT còn chủ động làm việc với các tổ chức tài chính mới như Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), KfW, Ngân hàng BNP Paribas, Cơ quan Bảo hiểm Đầu tư và Xuất khẩu Nippon (NEXI)…
Các kết quả thương thảo cũng cho thấy, AFD sẽ xem xét tài trợ cả phần xây lắp của các dự án do EVNNPT đề xuất thay cho việc chỉ tài trợ phần mua sắm vật tư thiết bị như các dự án AFD đã từng tài trợ cho Tổng Công ty trước đây.
Cả ADB, KfW và AFD đều cam kết sẽ xem xét cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại nhằm tăng cường năng lực cho EVNNPT trong các lĩnh vực kỹ thuật, tài chính và quản lý.
Ngân hàng BNP Paribas còn chấp thuận trước mắt cắt giảm lãi suất biên từ 1,45% xuống dưới 1,4%; đồng thời trong tương lai sẽ nỗ lực hơn để tiếp tục giảm lãi suất biên cho EVNNPT ở mức cao hơn.
Bên cạnh thu xếp vốn ODA từ các nhà tài trợ chính, Tổng Công ty còn nỗ lực tìm kiếm, huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế khác dưới hình thức tín dụng xuất khẩu; mở rộng hợp tác song phương; tăng cường hợp tác trong khối ASEAN và các nước trong khu vực, qua đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Tổng Công ty. Điều này cũng phù hợp với xu hướng sẽ giảm dần nguồn vốn ODA để tìm kiếm các nguồn vốn khác.
Trên thực tế, việc cung cấp bảo lãnh cho các khoản vay đã góp phần giải quyết một phần bài toán nan giải của EVNNPT trong việc thu xếp vốn đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, đồng thời cung cấp điện ổn định cho các vùng kinh tế trọng điểm.
Hiện EVNNPT đang mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của NEXI trong việc xúc tiến cung cấp bảo lãnh cho các dự án đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên.
Song song với công tác thu xếp vốn ngoại, EVNNPT còn tích cực hợp tác với các đơn vị truyền tải điện trong khu vực và thế giới để học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành hệ thống truyền tải điện một cách hiệu quả.
Hợp tác với Tổng Công ty Truyền tải điện Pháp (RTE) là một ví dụ cụ thể. Đây là một trong những tổ chức đi đầu ở châu Âu về sửa chữa đường dây và trạm biến áp, dày dạn kinh nghiệm thực hiện và đào tạo sửa chữa nóng cho các Tổng Công ty Điện lực thuộc nhiều nước như Anh, Australia, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Algeria…
“Việc mở rộng hợp tác với RTE sẽ hỗ trợ EVNNPT giải quyết các khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật, vận hành hệ thống điện, cung cấp các dịch vụ, đào tạo về sửa chữa nóng cũng như sẵn sàng tham gia đấu thầu cạnh tranh cung cấp dịch vụ cho Tổng Công ty," ông Vũ Trần Nguyễn nhấn mạnh.